Du lịch lặn biển Nha Trang

Theo nghiên cứu của Trung tâm Du lịch lặn biển Orca, Nha Trang, hiện nay vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận còn nhiều bãi cát đẹp, nước trong, phong cảnh còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ. Đáy biển là cát hoặc đá, san hô, động thực vật rất phong phú, thuận lợi cho du lịch lặn biển phát triển.

Lùi vào phía nam có Côn Đảo cũng là một điểm lặn tuyệt vời. Tại vịnh Nha Trang có 8 điểm lặn nằm ngay khu bảo tồn sinh vật biển Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Che, Hòn Rơm. Độ sâu của vùng biển là 12-31 m và trung bình 18 m. Đáy biển Hòn Mun có hơn 100 loài cá cảnh, hơn 100 loài san hô. Đó là chưa kể đến các hang động, vách đá dựng đứng và các tảng đá to chồng lên nhau.

Nhiệt độ quanh năm ở đây khá thích hợp cho việc lặn biển du lịch. Tầm nhìn dưới đáy biển có thể từ 5-20 m, nước trong và sạch.


Lặn biển Nha Trang

Tại vịnh Văn Phong có 4 điểm lặn ở độ sâu 8-31 m, trung bình là 12 m. Đáy biển có bãi san hô nguyên thủy rộng 500 m, dài 1.000 m, có nhiều san hô, hải quỳ và tảo. Đáy vịnh có nhiều đàn cá chình, cá chuối to. Nhiệt độ ở đây cũng giống như ở vịnh Nha Trang.

Tại Côn Đảo, độ sâu điểm lặn là 15-35 m, đáy có các vách đá và sinh vật biển.

Còn ở Đà Nẵng, phía Đông Nam bán đảo Sơn Trà là vùng sinh thái còn nguyên nét hoang sơ với nhiều loài cá hiếm thấy. Có thể đi các tour du ngoạn bằng thuyền từ Đà Nẵng đến vùng Hòn Súp, bãi Nam và kết hợp lặn biển.

Thiếu vốn và thiếu sự quan tâm, tuy nhiên, vấn đề đặt ra với ngành du lịch là làm thế nào để khai thác tiềm năng này. Hiện Orca Club là trung tâm lặn biển đầu tiên với 100% vốn của Việt Nam. Tất cả các hướng dẫn viên lặn biển đều là người Việt Nam có bằng Diver Master (4 sao). Các trung tâm còn lại như Octopus, Blue Diving, Rabe Divers và Jimily School đều là của người nước ngoài. Du lịch lặn biển là một sản phẩm có đầu tư công nghệ, vốn, chất xám.

Nếu chỉ "bán tên" lấy 30% doanh số như cách mà nhiều trung lâm lặn biển vẫn làm thì khi người nước ngoài rút đi, phía Việt Nam chẳng còn gì vì kinh nghiệm, công nghệ đều do người nước ngoài nắm giữ. Thái Lan đã phát triển lặn biển theo kiểu này và đã thất bại. Vốn đầu tư cho ngành du lịch lặn biển cần khá lớn. Công ty Vietravel đã đầu tư vào du lịch lặn biển qua Orca Club khoảng 50 nghìn USD. Theo đánh giá của ông Bùi Đức Thắng, Giám đốc Orca Club, số vốn này cần nâng lên để có thể phục vụ khách tốt hơn. Tuy nhiên, đầu tư lớn cũng không dễ, vì đồng vốn có hạn mà giá dịch vụ lặn biển đang giảm. Năm 1999-2000, chi phí trung bình cho một ngày lặn của du khách là 50-60 USD (gồm tiền thuê tàu và các thiết bị lặn), nay chỉ còn khoảng 40 USD (vì lượng khách đông được giảm giá), bằng 1/5 mức giá du lịch lặn biển của Thái Lan.

Hiện nay, theo các chuyên gia đánh giá, Vụ Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) chưa quan tâm đúng mức đến du lịch lặn biển. Quy hoạch cho ngành này hoàn toàn chưa có. Từ trước đến nay, du lịch biển vẫn phát triển theo lối tự phát, vừa gây lãng phí lớn vừa không bảo tồn sinh thái biển. Một số nước khai thác du lịch lặn biển một cách ồ ạt và hậu quả là môi trường ô nhiễm, các rạn san hô chậm phát triển. Để có được vẻ đẹp rực rỡ như hiện nay, san hô phải phát triển qua hàng nghìn năm, mỗi năm nó chỉ mọc thêm khoảng vài milimet. Đó cũng là lý do chúng ta cần có một chính sách đầu tư khai thác hợp lý loại hình du lịch biển.

Yến Sào Hoàng Phi (Theo VnExpress.net)
Đã thông báo Bộ Công Thương
 
>